Xe số sàn là gì? Những thông tin về xe ô tô số sàn

Mục Lục

1. Xe số sàn là gì?

Xe số sàn hay còn gọi là xe số tay có tên tiếng anh là MT – Manual Transmission. Đây là loại xe được trang bị cần số để người lái điều khiển bằng tay khi cần sang số. Cấu tạo của hộp số gồm có nhiều bánh răng (khoảng 5 – 6 bánh răng) khớp với nhau khi tài xế kéo cần số và nhấn bàn đạp ly hợp.

2. Các bộ phận và chức năng trên xe số sàn

Bên cạnh các bộ phận cơ bản trên một chiếc ô tô thì xe số sàn còn sở hữu 3 bộ phận chính sau:

2.1. Cần số

Khi cần chọn số phù hợp với tốc độ, địa hình hay điều kiện thời tiết, người dùng sẽ điều khiển cần số thủ công bằng tay. Cần số có 3 tác dụng chính: chọn số tiến, chọn số lùi và chọn số mo (N). Bên cạnh đó, để thuận tiện trong quá trình điều khiển xe, người dùng có thể sử dụng chức năng khác của cần số như chức năng khóa số lùi và chức năng chuyển số thể thao.

2.2. Bàn đạp ly hợp

Khi muốn sang số, tài xế cần thao tác cùng lúc việc gạt cần số và đạp bàn đạp ly hợp. Bộ phận này có chức năng chính là ngắt kết nối hộp số với động cơ để tài xế sang số dễ dàng hơn. Ngoài ra, bàn đạp ly hợp còn giúp giảm mài mòn các bộ phận bên trong hộp số, khởi động xe mượt mà và dừng xe an toàn.

2.3. Hộp số sàn

Hộp số sàn được tạo nên từ 5 bộ phận chính sau:

  • Vỏ và nắp hộp số: Bộ phận này có tác dụng bao bọc và bảo vệ các chi tiết bên trong hộp số.
  • Trục hộp số: Đây là bộ phận có chức năng dẫn động các bánh răng của hộp số. Trục hộp số có 2 thành phần là hộp số ngang với 2 trục và hộp số dọc với 3 trục.
  • Bánh răng: Là bộ phận chính đảm nhận việc thay đổi tỷ số truyền bằng cách điều chỉnh các bánh răng khớp với nhau sao cho đạt được tốc độ truyền lực có tỷ số phù hợp.
  • Ổ bi: Nhiệm vụ của ổ bi là chuyển đổi ma sát trượt thành ma sát lăn, vừa giảm tiếng ồn, vừa giúp hộp số hoạt động bền bỉ hơn.
  • Bộ đồng tốc: Bộ phận này sẽ đảm bảo tốc độ khớp nhau của các bánh răng không bị lệch, giúp việc sang số diễn ra êm ái, mượt mà và không bị gằn.

Hộp số sàn có chức năng chính là thay đổi tỷ số truyền. Ngoài ra, hộp số sàn cũng cung cấp lực kéo phù hợp cho xe trên từng địa hình, giúp người lái di chuyển xe lùi hay giảm tốc độ động cơ khi cần thiết.

Hộp số sàn là một bộ phận quan trọng trên xe số sàn

3. Ưu và nhược điểm của xe ô tô số sàn

3.1. Ưu điểm

Xe ô tô số sàn vẫn là lựa chọn của nhiều tài xế khi mua xe bởi những ưu điểm vượt trội như sau:

  • Độ bền cao, chi phí sửa chữa thấp: So với hộp số tự động thì hộp số sàn có cấu tạo đơn giản và ít chi tiết hơn, đồng thời chi phí thay thế khi phụ tùng hư hỏng cũng thấp hơn. Do đó mà xe số sàn được đánh giá cao về độ bền cũng như giúp người dùng tiết kiệm khoản phí lớn khi sửa chữa.
  • Tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả: Người lái xe có thể kiểm soát tỷ số truyền chính xác theo mong muốn để phù hợp với điều kiện xung quanh, do đó mà xe số sàn cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn xe số tự động. Theo thống kê, so với các dòng xe số tự động cùng loại, xe số sàn có khả năng tiết kiệm từ 5 – 10% nhiên liệu.
  • Người lái chủ động trong việc kiểm soát xe: Tài xế có thể kiểm soát tốc độ và hiệu suất của xe tốt hơn nhờ khả năng sang số thủ công của xe số sàn.
  • Giá thành rẻ: Do cấu tạo xe đơn giản và ít chi tiết hơn nên các dòng xe số sàn thường có giá thành rẻ hơn xe số tự động.

3.2. Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm đáng kể trên, xe số sàn vẫn có một số nhược điểm mà người dùng nên cân nhắc trước khi mua như:

  • Khó điều khiển hơn: Để di chuyển an toàn, tài xế cần phối hợp nhịp nhàng giữa bàn đạp ly hợp, chân phanh và chân ga, đồng thời còn phải sử dụng cần số để sang số phù hợp. Đặc biệt, khi di chuyển vào giờ cao điểm trên những tuyến đường đông đúc hoặc tắc nghẽn, người lái cần tập trung cao độ để liên tục chuyển đổi bàn đạp ly hợp và cần số.
  • Ít tiện nghi: So với xe số tự động thì xe số sàn thường có ít tiện nghi hơn. Chẳng hạn như một số xe số sàn không có tính năng hỗ trợ xuống dốc (HDC) hay hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HSA).
  • Tiếng ồn lớn: Hộp số sàn khi hoạt động thường gây ra tiếng ồn lớn hơn hộp số tự động.
  • Giá trị bán lại thấp hơn: Xe số sàn thường có giá trị bán lại thấp hơn xe số tự động.

Xe số sàn cũng có nhiều ưu và nhược điểm đáng để người mua cân nhắc

4. Cách phân biệt xe ô tô số sàn với số tự động

Xe số sàn và xe số tự động có một số điểm khác biệt rõ rệt để người dùng dễ dàng phân biệt như sau:

Tiêu chí Xe ô tô số sàn Xe ô tô số tự động
Bàn đạp ly hợp Có. Không.
Điều khiển xe Người lái cần dùng cả hai chân để điều khiển. Chân trái điều khiển bàn đạp ly hợp, chân phải điều khiển ga và phanh. Người lái chỉ sử dụng chân phải để đạp ga và phanh.
Cơ cấu chuyển số Người lái sẽ tự chuyển số từ thấp lên cao hoặc ngược lại cho đến khi đạt tốc độ mong muốn. Người lái chỉ cần đạp chân ga, xe sẽ tự động thay đổi số cao hoặc số thấp cho phù hợp.
Giá thành Thường có giá thành thấp hơn. Thường có giá thành cao hơn.
Quyền kiểm soát xe Người lái có thể kiểm soát xe chặt chẽ hơn thông qua việc thay đổi số để chọn tốc độ phù hợp. Hộp số tự động sẽ giúp người lái chọn số phù hợp với điều kiện lái xe.

5. Xe số sàn học bằng gì?

Để được phép điều khiển xe số sàn khi tham gia giao thông đường bộ, tài xế có thể chọn học lái xe ô tô số sàn thông qua một trong số các loại bằng sau:

  • Bằng lái xe hạng B1: Bằng lái xe hạng B1 cho phép tài xế điều khiển xe số sàn với mục đích cá nhân, không được phép hành nghề lái xe.
  • Bằng lái xe hạng B2: Bằng lái xe hạng B2 cũng cho phép tài xế điều khiển xe số sàn. Tuy nhiên, với hạng bằng lái này thì tài xế có thể hành nghề lái xe theo quy định của pháp luật.
  • Bằng lái xe hạng C: Bằng lái xe hạng C cho phép tài xế điều khiển xe số sàn có đến 9 chỗ ngồi (đã bao gồm ghế tài xế) với mục đích kinh doanh.

Tài xế có thể chọn học 1 trong 3 loại giấy phép lái xe để được điều khiển xe ô tô số sàn

Như vậy, Sao Việt đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc xoay quanh xe số sàn cũng như cách phân biệt xe số sàn với số tự động. Nếu bạn đang tìm kiếm cơ sở đào tạo lái xe số sàn uy tín, hãy liên hệ ngay với Sao Việt để nhận tư vấn chi tiết!